Binh Pháp Tôn Tử – Thiên Thứ VIII : Cửu Biến

THIÊN 8: CỬU BIẾN

Trong khi dùng binh, Chủ Tướng phải tuân lệnh của Quốc Quân, chiêu mộ dân binh, lập thành quân đội, không được dựng doanh trại ở những vùng đất khó đi lại.

Ở vùng đất thông thoáng thì phải kết giao với Nước láng giềng, không được dừng chân ở những nơi không có nước, cây cỏ và lương thực.

Khi vào vùng đất hiểm trở thì phải khéo léo nghĩ ra mưu kế, còn nếu vào vùng đất chết thì phải quyết chiến.

Có những con đường không nên đi, có những kẻ địch không nên đánh, có những tòa thành không nên tấn công, có những vùng đất không nên tranh giành và có những mệnh lệnh của Quốc Vương không nên tuân theo.

Vì vậy, Tướng Soái phải có đủ tinh thông để vận dụng một cách linh hoạt thì mới được gọi là biết cách dùng binh.

Nếu Tướng Soái không biết vận dụng phép dùng binh một cách linh hoạt, thì cho dù có nắm chắc địa hình thì cũng không thể dành thắng lợi được.

Chỉ huy quân đội nếu không dùng linh hoạt thì mặc dù tướng sĩ rất giỏi, cũng không thể phát huy hết được sức mạnh chiến đấu của quân đội.

Một Tướng giỏi khi suy nghĩ về một vấn đề nào đó thì họ luôn tính đến cả hai mặt lợi và hại.

Trong trường hợp có lợi thì phải tính đến cả điều kiện bất lợi để có biện pháp xử lý kịp thời.

Trong trường hợp bất lợi cũng phải đề cập đến những điều kiện có lợi.

Có như vậy mọi việc mới hanh thông.

Vì vậy muốn khuất phục các nước chư hầu thì phải dùng những việc họ sợ để uy hiếp họ.

Muốn làm cho các Nước chư hầu mải mê lo chuyện ứng phó thì phải tạo những việc mà họ không thể không làm để ép buộc họ.

Muốn các Nước chư hầu quy phục thì phải thu hút họ bằng những lợi ích nho nhỏ.

Như vậy thuật dùng binh không phải là hy vọng kẻ địch không đến mà phải dựa vào sức của chính mình để chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng ứng phó.

Không nên nghĩ rằng kẻ địch sẽ không tấn công mà bản thân phải có kế làm cho địch không thể tấn công mình được.

Hỏi và đáp (0 bình luận)

Bình luận đã bị đóng.